Sunday, 22 July 2007

Người châu Á có thể suy nghĩ?

TTO - “Có thể, nhưng không tốt lắm!”, là câu trả lời của Kishore Mahbubani - cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc. Quyển sách của ông Người châu Á có thể suy nghĩ? (Can Asians think?) vừa được tái bản lần thứ ba. “Câu chuyện chiều thứ bảy” mời độc giả theo dõi cuộc tọa đàm giữa tạp chí Salon (Mỹ) với Kishore Mahbubani.

1. Ông nghĩ gì khi hỏi “Người châu Á có thể suy nghĩ?”?

- Vài năm trước, ở Singapore diễn ra đại hội quốc tế thường niên về suy nghĩ. Chính vào thời điểm đó tôi đã nghĩ đến câu hỏi này.

Vì sao tôi nghĩ đến nó khá đơn giản: vào năm 1000, các xã hội năng động và thịnh vượng nhất trên thế giới nằm ở châu Á. Châu Âu vẫn còn đang vật vã thoát khỏi thời kỳ Trung cổ và Bắc Mỹ còn chưa được phát hiện. 1.000 năm sau chúng ta có một hiện trạng đảo ngược hoàn toàn: các xã hội năng động và thịnh vượng nhất nằm ở Bắc Mỹ, châu Âu ở dưới một bậc và châu Á bị bỏ tít đằng sau. Câu hỏi tôi đặt ra: Tại sao những xã hội một thời tiên phong trong nền văn minh toàn cầu lại đánh mất cả một thiên niên kỷ?

2. Vì những nước này bị tụt hậu hay vì xã hội phương Tây tiến bộ quá nhanh chóng?

- Cả hai. Trong tư duy của người phương Tây có một bước nhảy vọt thần kỳ. Đã có phong trào Cải cách (ở châu Âu, thế kỷ 16), thời kỳ Phục hưng (thế kỷ 14,15,16), cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật - cứ hết đợt sóng này lại tiếp đợt sóng tiến bộ khác. Tôi đã thử làm một đứa trẻ của cả phương Đông và phương Tây để có thể hồn nhiên đi vào cả hai thế giới tinh thần này. Và tôi thấy đang tồn tại hai vũ trụ tinh thần khác biệt. Hai vũ trụ này đã không thể nhập vào nhau làm một. Khi hiểu ra rồi, tôi cảm thấy hoang mang bởi có rất nhiều người châu Á không thể nhận ra họ phải tự vấn thật nghiêm túc nếu muốn thành công và không lãng phí thêm một thiên niên kỷ nữa.

3. Ông muốn họ phải đặt ra những loại câu hỏi nào?

- Câu hỏi cơ bản nhất là: Tại sao xã hội của họ bị tụt hậu? Tại sao cho đến cuối thế kỷ 20 rồi mà chỉ có một xã hội châu Á duy nhất hiện đại hóa hoàn toàn là Nhật Bản? Theo tôi, nguyên nhân căn bản khiến xã hội phương Tây thành công nằm ở chế độ trọng dụng nhân tài và sự vô tư trong sử dụng tài năng. Vào năm 1992 khi theo học ở Harvard, tôi rất ngỡ ngàng khi thấy Harvard có thể “thẳng thừng” và vô tư đến vậy trong công tác chọn lựa giáo sư. Họ muốn tìm ra người tài nhất ở từng lĩnh vực. Họ không cần biết đến nguồn gốc, quốc tịch, chủng tộc và càng không để những quan hệ cá nhân chi phối. Điều đó đã làm nên một Đại học Harvard vĩ đại.

4. Điều ông viết - phần còn lại của thế giới sợ phương Tây giống y như cách phương Tây sợ phần còn lại của thế giới - thật thú vị. Làm sao mà phương Tây nên “sợ phần còn lại của thế giới”?

- Những xã hội mạnh nhất hiện nay vẫn nằm ở phương Tây. Bạn sẽ kinh ngạc khi biết một quyết định đơn giản của phương Tây cũng có thể gây ra thiệt hại lớn. Thí dụ, trong thương mại, một qui định mới về chuối có thể giết chết cả một nền công nghiệp. Hay một qui định mới về dệt may có thể làm hàng ngàn người thất nghiệp. Có một tổ chức phi chinh phủ (NGO) nọ của Bỉ tới Bangladesh và phát hiện một xưởng thuê mướn lao động trẻ em. Họ đã reo lên theo kiểu “bắt quả tang”: “A ha. Mọi người thấy chưa? Thấy chúng tôi nói đúng chưa?”. Hai năm sau đó, NGO đó trở lại và anh đoán xem chuyện gì đã xảy ra? Rất nhiều trẻ gái từng lao động ở đó bây giờ đã trở thành gái điếm. Đó là lý do tôi đã trích dẫn câu nói của Max Weber vào cuốn sách của mình: “Không phải cái tốt chỉ có thể sinh ra cái tốt và điều ác sinh điều ác, mà thường là ngược lại”.

Dân chủ là một mục tiêu dài hạn. Chúng ta không thể áp đặt cùng một hệ thống cho những xã hội được vận hành khác nhau. Cuối Chiến tranh lạnh, Francis Fukuyama đã viết bài báo nổi tiếng “Sự kết thúc của lịch sử”. Nước Mỹ thường nghĩ mình đã đi đến đỉnh của lịch sử và mọi người khác phải bắt chước theo để giống y như mình. Song điều mà chúng ta đang thấy, một bài học lớn, đó không phải là một sự kết thúc mà là một sự trở lại của lịch sử.

5. Liệu sự trở lại của lịch sử có làm các nền văn minh va chạm chan chát vào nhau? Hay đó sẽ là một sự hòa trộn các nền văn minh mà ông mong đợi?*

- Tôi thấy đang có một tiến trình hòa trộn diễn ra. Nếu đi du lịch từ Singapore qua Sydney, San Francisco hay Vancouver, bạn không có cảm giác mình đang giã từ một thế giới văn hóa này để đi vào thế giới văn hóa khác. Người châu Á và ngoài châu Á tương tác với nhau dễ và thoải mái. Nếu đi tới một trường đại học sẽ càng thấy rõ điều này, ở đó là sự gặp gỡ nhau của các tư tưởng.

Một điều tôi phải nhấn mạnh, mà điều này lại có vẻ mâu thuẫn với những gì tôi vừa nói, rằng dòng tư tưởng hiện nay chỉ mới là đường một chiều. Song tôi thấy sắp xuất hiện một con đường hai chiều. Lịch sử và văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ còn quá nhiều điều chưa được phát hiện lại. Châu Âu đã đi qua thời kỳ Phục hưng vài thế kỷ trước đây. Phải có một thời kỳ Phục hưng của châu Á trong vài thập kỷ tới. Nó phải tới thôi. Người châu Á đã đạt đến một mức độ giàu có nhất định, họ sẽ làm đúng theo những gì Rockefeller và một số người khác đã nói: quay trở về và phát hiện lại quá khứ.

2 comments:

  1. Quá khứ là gì? Những ngày đã qua hay là những hoài niệm không thể quên? Tuổi thơ tôi đâu rồi?
    Một chiều buồn lê thê. Ngồi co mình trên ghế. Nghe mất đi tuổi thơ...
    Phạm Duy nói gì thế để cho tôi buồn nhớ thời tôi ngây thơ! Trời ơi!!!

    ReplyDelete
  2. Người châu Á mơ về ngày xưa. Tương lai không phải là của tôi, mà là của người khác, của DoAn. Tương lai của tôi có không nhỉ?

    ReplyDelete